Đầu tháng 10 là thời điểm ngành bán lẻ thế giới bước vào mùa cao điểm. Nhưng ngành này đã ở trong nhiều trạng thái hoảng loạn khác nhau mà thông thường mọi năm chỉ diễn ra vài tuần trước lễ Giáng Sinh.
Đầu năm 2020, các doanh nghiệp hy vọng những nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ sớm được giải tỏa. Nhưng đến giờ, chúng chỉ có tồi tệ hơn nhiều, đẩy mùa mùa sắm cuối năm vào rủi ro.
Trên khắp châu Âu, các nhà bán lẻ như H&M không thể đáp ứng nhu cầu vì đơn hàng giao đến chậm. Ở Mỹ, Nike đã cắt giảm dự báo doanh số bán hàng sau khi Covid-19 làm sản xuất ở Việt Nam đình đốn. Cổ phiếu của Bed Bath & Beyond thì sụt giảm trong bối cảnh vận chuyển gặp khó. Giám đốc điều hành Mark Tritton của công ty cảnh báo rằng sự gián đoạn sẽ kéo dài sang năm tới. “Có áp lực trên toàn diện, và bạn sẽ nghe về điều đó từ những người khác”, ông tuyên bố.
Làn sóng bùng phát dịch đã khiến các cảng ảnh hưởng công suất. Đến nay, toàn cầu vẫn không có đủ container, khiến giá vận chuyển tăng gấp 10 lần so với một năm trước. Tình trạng thiếu lao động đã làm đình trệ hoạt động vận tải đường bộ và đẩy tỷ lệ đăng tuyển của Mỹ lên mức cao nhất mọi thời đại. Đó là trước khi UPS, Walmart và những đơn vị khác nhảy vào thuê hàng trăm nghìn công nhân thời vụ để giải tỏa áp lực hàng hóa lúc cao điểm.
Isaac Larian, Nhà sáng lập kiêm CEO MGA Entertainment, một trong những nhà sản xuất bánh mì lớn nhất thế giới, cho biết chưa bao giờ thấy tình hình tồi tệ đến mức này trong 43 năm làm việc. “Những thứ có thể sai thì nay đều sai cùng lúc”, ông bình luận.
Chỉ số ngành bán lẻ của S&P, bao gồm 108 công ty Mỹ bao gồm Amazon, Macy’s và Best Buy, tăng khoảng 40% trong năm nay và gần như gấp đôi kể từ đầu năm 2020. Vốn hóa thị trường kết hợp của nhóm này là 3.300 tỷ USD, chỉ thấp hơn một chút so với kỷ lục hồi đầu năm.
Sự hân hoan đó xung đột với những gì đang diễn ra ở hậu trường. Steve Azarbad, Đồng sáng lập và Giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư Maglan Capital, cho biết các nhà bán lẻ đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy các kệ hàng. “Tôi nói chuyện với rất nhiều nhà cung cấp và họ nói không thể hoàn thành tất cả đơn hàng”, ông cho biết.
Jay Foreman đã đặt gia công đồ chơi với các đối tác ở Trung Quốc trong hơn ba thập kỷ. Ông chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như hiện tại. Công ty đồ chơi cỡ trung của ông, Basic Fun, đang trên đà tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay – có thể đạt doanh thu 170 triệu USD.
Nhu cầu thị trường là không thiếu nhưng tình trạng khan hiếm container đã khiến hàng nghìn chiếc Lite Brites và TinkerToys phải chờ được vận chuyển. Chỉ cần một nhà máy ở Thâm Quyến, lượng hàng thành phẩm trị giá khoảng 8 triệu USD từ họ có thể chất đầy 140 container. “Chuỗi cung ứng là một thảm họa và nó chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn”, ông nói.
Isaac Larian của MGA sẵn sàng trả hơn 20.000 USD cho mỗi container vận chuyển – tăng khoảng 2.000 USD so với một năm trước. Ông thấy mình may mắn vì điều hành một công ty tư nhân nên không cần phải trả cổ tức cho các cổ đông.
MGA gần đây đã có hơn 600 thùng container, chứa đầy đồ chơi như L.O.L bán chạy nhất của họ. Đó là những con búp bê, đã chờ được bốc dỡ hơn sáu tuần. “Sẽ thiếu đồ chơi vào mùa thu này. Sẽ là một năm khó khăn đối với các nhà bán lẻ”, Larian nói.
Khi đại dịch đánh sập nền kinh tế toàn cầu vào đầu năm 2020, các nhà máy sản xuất chậm lại hoặc đóng cửa. Nhưng hóa ra, việc dừng hoạt động vẫn dễ hơn nhiều so với khi khởi động lại. Lee Klaskow, nhà phân tích logistics của Bloomberg Intelligence đánh giá, chuỗi cung ứng đã bị bóp nghẹt bởi rất nhiều sự kiện, như tắc nghẽn kênh đào Suez, thiếu hụt lao động và chi phí vận chuyển tăng vọt. “Chuỗi cung ứng chưa có cơ hội trở lại bình thường”, ông nói.
Một trong những kịch bản tốt hơn cho quý IV là các nhà bán lẻ lớn tăng mạnh chi tiêu cho dịch vụ hậu cần – bao gồm việc sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không đắt tiền hơn, hoặc thuê toàn bộ tàu chở hàng. Điều đó khiến tỷ suất lợi nhuận bị ảnh hưởng, nhưng cũng có thể giúp họ chiếm thị phần từ các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, những đơn vị không có khả năng “chịu chơi” như thế.
Michael Mathias, Giám đốc tài chính của chuỗi may mặc American Eagle Outfitters cảm thấy hài lòng vì hầu hết hàng hóa sẽ về kịp để bán mùa lễ. “Sẽ có một số đơn vị thậm chí có thể không nhận được sản phẩm của họ”, ông nói.
Ken Hicks, CEO của Academy Sports and Outdoors đang dựa vào lợi thế đó để nâng cao hiệu quả. Chuỗi này có trụ sở tại Katy (Texas), đã sử dụng sức mạnh của mình để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm này. Trong nhiều tháng qua, họ nhập khẩu hàng hóa sớm hơn, chuyển các chuyến hàng từ bờ biển phía tây đông đúc đến các cảng như Galveston (Texas) và đặt trước hàng hóa từ đầu năm.
Nhưng ngay cả với tất cả nỗ lực đó của một công ty có doanh thu 4 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua, Hicks cho biết tồn kho chỉ ở mức “vừa đủ”. Có hàng để đáp ứng mục tiêu kinh doanh của mình, nhưng ông ước tính doanh số sẽ thấp hơn khoảng 10% so với kỳ vọng.
Nhờ chuyển khoảng một nửa sản lượng sang Mexico và Brazil, giảm đơn hàng từ Việt Nam, Janine Stichter có thể nhận hàng nhanh gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh. Cũng nhờ quyết định này, cổ phiếu của công ty được Janine Stichter, một nhà phân tích của Jeffries, nâng khuyến nghị lên từ “giữ” sang “mua”.
“Các vấn đề về chuỗi cung ứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Trong thời gian còn lại của năm, yếu tố thành công quan trọng sẽ là khả năng cung cấp sản phẩm đúng thời hạn hoặc tương đối đúng hạn”, chuyên gia phân tích Janine Stichter nói.
Trong khi đó, Bank of America tuần trước đã hạ khuyến nghị cổ phiếu chuỗi Kohl’s từ “mua” xuống “bán “và cắt giảm khoảng một phần ba giá mục tiêu đối với cổ phiếu này, do chi phí hậu cần tăng lên.
Rủi ro lớn, mang tính hệ thống hơn và có thể gây hại cho mọi nhà bán lẻ, là người Mỹ chi tiêu ít hơn dự kiến vì không có đủ hàng tồn kho. Hàng hóa có sẵn cũng có thể không đủ hấp dẫn. Sự bùng nổ về giá vận chuyển đã buộc các nhà sản xuất phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc vận chuyển những gì. Từ đó, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn tốt.
Vận chuyển các mặt hàng lớn và có giá trị thấp sẽ không được quan tâm lúc này. iPhone có kích thước nhỏ và đắt tiền, khiến chúng trở thành sản phẩm lý tưởng để vận chuyển, hoặc vận chuyển bằng hàng không. Nhưng đồ nội thất cấp thấp hoặc thú nhồi bông lớn thì không như vậy.
Tại Whom Home ở Los Angeles, CEO Jon Bass cho biết đã xóa khoảng 70% sản phẩm của công ty – tổng cộng hàng nghìn mặt hàng bao gồm đồ trang trí tường và đồ nội thất – khỏi trang web của các đối tác bán lẻ như Walmart và Wayfair vì không có nguồn cung. Hoặc trong một số trường hợp, chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tăng cao khiến một mặt hàng trở nên đắt hơn mức mà nhà bán lẻ có thể chấp nhận. “Người tiêu dùng thiệt vì lựa chọn của họ bị hạn chế. Thời điểm này là không bình thường thì thiếu sự ổn định”, ông nói.
Chi phí gia tăng trong chuỗi cung ứng, chẳng hạn như giá bông chạm mức cao nhất trong 9 năm và thiếu lao động cũng có khả năng khiến sản phẩm đến tay người tiêu dùng đắt hơn, khiến họ giảm chi tiêu. Hoặc nó có thể gây thay đổi trong hành vi tiêu dùng, từ mua hàng hóa sang trải nghiệm dịch vụ như du lịch hay ăn uống. Ngành bán lẻ cũng có thể ít khuyến mại hơn trước vì hàng tồn kho khan hiếm. Điều này sẽ làm mất lòng những người săn hàng giá rẻ.
“Chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến tất cả. Việc đáp ứng kỳ vọng của khách hàng trong một môi trường mà mọi thứ đều hoạt động bất ổn là điều gần như không thể”, Jennifer Bartashus, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, đánh giá.