XĂNG DẦU TĂNG LIÊN TỤC: NGÀNH LOGISTICS KHÓ KHĂN CHỒNG KHÓ KHĂN

Ngay sau khi nhận được thông tin giá xăng RON 95 tăng lên 26.280 đồng/lít được liên Bộ Công Thương- Tài chính công bố lúc 15h chiều 21/2, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hệ thống logistics ở tỉnh Bình Dương bày tỏ sự lo lắng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương cho biết, giá xăng dầu tăng đột biến ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics. Thời gian qua, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19 chưa kịp phục hồi thì nay lại thêm vấn đề mới đó là giá cả tăng cao, gây ảnh hưởng nặng cho ngành vận tải hoạt động trong hệ thống logistics. Bởi phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay.

Theo ông Xô tính toán phí vận chuyển tăng tác động vào cấu thành phí logistics với một loạt phí cùng tăng như: phí cầu đường, phí xăng dầu, chi phí nhân công, phí cầu cảng bến bãi.

Khó khăn chồng khó khăn lên hệ thống logistics cùng với việc thiếu hụt container trống khá trầm trọng. Container rỗng để chứa hàng hóa xuất khẩu hiện đang khan hiếm chưa từng có do container về tới cảng Cái Mép nhưng muốn đưa về Bình Dương phải di chuyển tiếp gần 100km. Với giá xăng dầu tăng lên như hiện nay và đi bằng đường bộ càng làm phát sinh phí. “Với những khó khăn này đang khiến các doanh nghiệp lo lắng”, ông Xô chia sẻ.

“Doanh nghiệp đau đầu nhất là giá thành xuất mỗi container sang châu Âu và Mỹ đang bội chi. Trước đây mỗi container có giá hơn 5.000 USD/container, nhưng nay tăng hơn 10.000 USD/container. Việc tăng giá liên tục gây sức ép lớn cho ngành vận tải dịch vụ logistics, buộc chúng tôi phải “thắt lưng buộc bụng” cắt giảm mọi khâu chi phí để thích ứng tồn tại”, ông Xô phân trần.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Sang, Phó Giám đốc Công ty Thương mại – dịch vụ hàng hóa Phương Nam tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, đơn vị đang cung cấp các dịch vụ vận chuyển nói riêng và các giải pháp logistics trên toàn quốc với giá cước vận chuyển khi thực hiện ký hợp đồng đang áp dụng như đã công bố trong suốt quá trình hợp tác. Do vậy, khi giá xăng dầu tăng gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp. Chi phí xăng dầu cho đội xe tải bị đội lên từ 5 – 7%, buộc đơn vị phải có phương án thay đổi giá.

Ông Sang cho rằng trong hoạt động của doanh nghiệp logistics, xăng dầu chiếm cơ cấu khoảng 35% giá cước. Vì thế, nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, doanh nghiệp đối diện lỗ nặng.

“Trong hoạt động kinh doanh vận tải, logistics nói chung, không có ràng buộc doanh nghiệp phải giữ giá mà sẽ có điều chỉnh theo biến động của thị trường xăng dầu. Vì thế, việc điều chỉnh giá cước logistics là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ cố gắng đàm phán với khách hàng để có mức giá 2 bên chấp nhận được “, ông Sang cho hay.

Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Phước Dũ Long tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng tỏ ra lo lắng sau khi giá xăng tăng đột ngột.

Bốc xếp, vận chuyển container hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cảng Tổng hợp Bình Dương.

Theo ông Tín, việc tăng giá xăng dầu sẽ khiến chi phí vận chuyển nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển sản phẩm đầu ra đều tăng lên. Bên cạnh đó, giá cả các loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ điều chỉnh theo giá xăng dầu nên thời gian tới có thể nguồn nguyên liệu tiếp tục tăng so với năm ngoái. Điều này càng làm cho doanh nghiệp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm 2022.

Chiều cùng ngày 21/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – đơn vị cung ứng xăng dầu lớn nhất tại khu vực Đông Nam bộ để bàn các giải pháp cung ứng xăng dầu đầy đủ cho thị trường và đảm bảo không  ảnh hưởng đến nguồn cung ứng cho doanh nghiệp và người dân. Tổng công ty cũng đảm bảo duy trì thông suốt các hoạt động phân phối xăng dầu chủ động trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực lân cận trong thời gian tới.

Trong tháng đầu năm 2022, nhất là 2 tuần sau Tết Nguyên đán, 100% doanh nghiệp tại Bình Dương đã ổn định sản xuất trở lại, góp phần cho ngành thương mại từng bước tăng trưởng ngay từ đầu năm, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bình Dương đạt 31,5 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020. Về kim ngạch nhập khẩu đạt 24,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2020 và đạt thặng dư thương mại xấp xỉ 7 tỷ USD.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *