Đầu tư phát triển hệ thống logistics vùng Đồng bằng Sông Hồng

Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chính phủ xác định, hình thành các vùng động lực và các khu vực phát triển công nghiệp, thương mại, tài chính, ngân hàng, dịch vụ, nông nghiệp hiệu quả cao, hữu cơ, tuần hoàn; phát triển dịch vụ, logistics. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng, phát triển ngành nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.

Theo đó, đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối, trung tâm trung chuyển và kho vận, hệ thống kho bãi hiện đại, thông minh, bền vững theo chuẩn quốc tế gắn với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường ven biển, cửa khẩu và hệ thống cảng biển; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa, các cụm, khu vực hội chợ triển lãm, đẩy mạnh thương mại điện tử. Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại khu vực Đông Nam Á; trong đó thành phố Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; Hải Phòng là trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại, là cửa ngõ ra biển, kết nối các tuyến hành lang, vành đai kinh tế.

Để thực hiện các mục tiêu phát triển Vùng, giao thông, trong đó có đường sắt đô thị được đặc biệt chú ý. Ngoài các tuyến đường sắt từ Hà Nội đi bốn tỉnh trên, Chính phủ đồng thời yêu cầu nghiên cứu xây tuyến đường sắt đô thị Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh. Các tuyến metro tại Hà Nội cần sớm hoàn thành.

duong-sat-cat-linh-ha-don.jpg

Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, hiện chỉ Hà Nội có đường sắt đô thị. Theo quy hoạch đến 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành và vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

Năm tuyến khác đang triển khai ở các giai đoạn. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn trên cao cuối 2022 nhưng lỡ hẹn, toàn tuyến dự kiến khánh thành năm 2027; tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh Hồ Gươm.

Hai tuyến số 3 ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao – Ngọc Khánh – Hòa Lạc được TP thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.

Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cho BQL đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long – Nội Bài; Trần Hưng Đạo – Thượng Đình; Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá.

Theo nghị quyết của Chính phủ, hệ thống đường sắt vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ được nâng cấp, kết nối thông suốt với tuyến liên vận quốc tế. Tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân sẽ được hoàn thành. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đoạn Hà Nội – Vinh sẽ được nghiên cứu xây dựng.

Về đường bộ, năm 2027, các địa phương hoàn thành vành đai 4 vùng Thủ đô; mở rộng QL6 đoạn Ba La – Xuân Mai; đường bộ ven biển đoạn qua các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Chính phủ giao đến 2030 đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; cao tốc Bắc – Nam phía Tây; cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng, Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long và các đường song hành với vành đai 4, 5.

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hòa Lạc – Hòa Bình, sẽ được mở rộng. Đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ thường xuyên ùn tắc dịp lễ, Tết.

Tuyến đường thủy nội địa Hải Phòng – Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tuyến ven biển Vạn Gia – Ka Long sẽ được cải tạo. Các bến mới tại khu bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) và Quảng Ninh sẽ được đầu tư. Sân bay Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn sẽ mở rộng.

Ngoài ra, Chính phủ chủ trương phát triển mạnh các hành lang kinh tế vùng gồm: hành lang Bắc Nam; Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình.

Mô hình, cơ chế mới đặc thù sẽ được thí điểm, trong đó tập trung cho tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Nguồn: VLR

————————————————————————
CÔNG TY CỔ PHẦN KHO VẬN KINH BẮC
🏤 Số 84, phố Cù Chính Lan, khu 5 phường Ninh Xá , thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh
SDT liên hệ: 0868334599
Website : http://vantaikinhbac.com.vn/
email: kinhbaclogistics@gmail.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *