TỔNG HỢP CÁC PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN CHÍNH NGẠCH HÀNG TỪ TRUNG QUỐC VỀ VIỆT NAM

vận chuyển hàng trung quốc về việt nam
I. GIAO NHẬN VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂN.
Giao nhận tải đường biển chiếm đến hơn 60% lượng hàng nhập từ Trung Quốc về Việt Nam.
Dưới đây là các cách thức chủ yếu. (Không áp dụng cho tàu rời)
1. Vận chuyển bằng đường biển với hàng nguyên container (FCL)
– FCL (Full container load) : Hàng nguyên container.
Đây là phương thức giao nhận thông dụng, đang được sử dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu với số lượng hàng lớn để kinh doanh hoặc sản xuất.
– Các loại container được sử dụng với các thông số như sau :
Mỗi loại container sẽ được sử dụng phù hợp theo nhu cầu của DN NK. Trong đó sử dụng thông dụng nhất là
+ Container 20’dc : chứa được 33.1 khối, đóng hàng thực tế khoảng 25-28 khối, nặng tối đa 28 tấn
+ Container 40’hc: chứa được 76 khối, đóng hàng thực tế khoảng 65-70 khối, nặng tối đa 28 tấn.
– Quy trình giao nhận : Lô hàng được làm thủ tục thông quan và giao tới CY (Container yard – Bãi container). Sau đó hàng được xếp lên tàu, và vận chuyển tới cảng đích. Cuối cùng container được dỡ xuống CY tại cảng nhập khẩu.
– Cách tính giá cước vận chuyển và chi phí : Phí xếp dỡ và cước vận chuyển quốc tế được tính theo container. Một số chi phí phụ sẽ được tính theo lô hàng.
– Ưu điểm : Phù hợp với những đơn hàng số lượng, các nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất
– Nhược điểm: Tốc độ vận chuyển chậm hơn đường bộ, có thể bị chậm trễ do tắc nghẽn cầu cảng hoặc không xin được chỗ trên tàu.
2. Vận chuyển đường biển gom hàng lẻ (Mở riêng 1 tờ khai) (LCL)
– LCL (Less than container Load) – Hàng ít hơn 1 container được gom tại kho CFS (Kho gom hàng lẻ) có sự kiểm soát của cơ quan Hải quan. Lô hàng phải làm xong thủ tục hải quan mới được đưa vào trong kho CFS để đóng chung cùng với các nhà xuất khẩu khác.
Đơn vị thực hiện gom hàng này là Consolidator.
– Quy trình giao nhận : Sau khi gom hàng xong, lô hàng sẽ được vận chuyển theo quy trình sau CFS -> CY  CY -> CFS (Từ kho gom hàng ra bãi container, sau đó container được đưa lên tàu vận chuyển tới cửa khẩu nhập khẩu. Sau khi đến cửa khẩu nhập khẩu thì container được dỡ xuống bãi và cuối cùng được chuyển tới kho gom hàng lẻ để tách bill giao cho doanh nghiệp nhập khẩu)
– Cách tính cước phí : Cước phí được tính theo số tấn hoặc số khối của lô hàng do kho hàng cân và đo thực tế.
– Doanh nghiệp nhập khẩu tự mở tờ khai riêng có thể chủ động thời gian và không sợ lộ thông tin nhà cung cấp và thông tin hàng hóa
– Ưu điểm: Có nhiều kho gom hàng ở hầu hết các cảng biển lớn của TQ như Shanghai, Ningbo, Xiamen, Shenzhen…
– Điểm yếu: Chi phí phân bổ tương đối cao. Phù hợp với hàng có giá trị cao
3. Vận chuyển đường biển gom hàng nguyên container (Mở riêng 1 tờ khai)
Hàng được mua từ nhiều nhà cung cấp gom lại tại 1 kho, sau đó đóng nguyên 1 container để xuất khẩu đi theo phương thức FCL.
Phương thức này áp dụng cho trường hợp doanh nghiệp NK mua từ nhiều nhà cung cấp, sau đó thuê 1 công ty ủy thác xuất khẩu để đứng tên làm chung 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, DN NK cũng chỉ cần mở 1 tờ khai hải quan. Như vậy có thể tiết kiệm thêm 1 khoản chi phí tương đối cho chi phí hải quan, và giao nhận
Ưu điểm : Gom được nhiều nhà cung cấp, tiết kiệm chi phí Logistics
Nhược điểm: Địa điểm kho tập kết bị giới hạn, chỉ tập trung chủ yếu ở Quảng Châu
4. Vận chuyển đường biển gom container (Ủy thác XK, ủy thác NK)
Nếu bạn là hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp nhập hàng với số lượng nhỏ không đủ container mà muốn tối ưu chi phí thì đây là 1 giải pháp rất phù hợp
Hàng sẽ được tập kết tại 1 kho tại khu vực Quảng Châu để tiện việc gom hàng. Sau đó lô hàng sẽ được ủy thác xuất khẩu bởi 1 công ty TQ. Sau đó hàng sẽ đi theo quy trình giao nguyên container FCL nhập về VN.
Khi hàng về VN cũng có 1 công ty ủy thác NK, nộp thuế, sau đó đưa về kho riêng và tách hàng ra.
Ưu điểm: Giá rẻ do gom được nhiều hàng
Nhược điểm: Không chủ động thời gian, và bên dịch vụ không nhận những hàng thuộc chính sách phải xin giấy phép và kiểm tra chuyên ngành.
II. GIAO NHẬN VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
Giao nhận bằng đường bộ tại Trung Quốc cực kì phát triển với đa dạng các hình thức với các loại xe khác nhau :
– Số lượng nhỏ : Bạn có thể sử dụng các công ty dịch vụ Logistics gom hàng nội địa , tiếng trung gọi là Wuliu. Hình thức của các công ty này là họ có 1 địa điểm kho tập kết ở khu vực các tỉnh, nhà cung cấp thể gọi để họ đến tận xưởng để lấy hàng, sau đó xếp xe chung cùng các lô hàng khác đi cùng tuyến đường. Sau đó hàng sẽ được giao tới địa điểm kho theo yêu cầu, thường sẽ được giao tới gần cửa khẩu Đông Hưng, Bằng Tường,….
– Số lượng hàng lớn hơn sẽ được xếp lên các loại xe như 5.6m, 7.8m, 9.6m, 13m, 17.5 và 20.5m với số khối lớn hơn vận tải đường biển. Cụ thể :
+ Xe 13m đóng được 80-85 khối, lớn hơn container 40’hc
+ Xe 17.5 đóng được 120 – 140 khối, tương đương 2 container 40’hc
+ Xe 20.5m đóng được đến 160 khối, gần bằng 3 container 40’hc
Với sự đa dạng các phương tiện nên vận tải đường bộ cũng có nhiều lựa chọn :
1. Vận chuyển đường bộ nguyên xe (FTL = Full truck load)
Như đã nói ở trên, với số lượng hàng lớn thì việc lựa chọn sử dụng vận tải nguyên xe là 1 giải pháp tiết kiệm được chi phí khá nhiều. Nếu như trước kia đa số mọi người nghĩ vận chuyển đường bộ sẽ đắt hơn đường biển, nhưng nếu như bạn đi số lượng 2×40’hc đường biển, trong khi vận chuyển đường bộ bên Trung chỉ cần sử dụng 1 xe đã có thể giao hàng tới cửa khẩu tại VN rồi. Sau đó về VN thì sang thành 2 xe.
Trên thực tế như mình đã chạy thử vài lô hàng với số lượng tương đương cont 20’dc và container 40, sau đó làm bảng tính so sánh thì không những chi phí đường bộ tương đương hoặc thấp hơn đường biển mà tốc độ vận chuyển thì nhanh gấp đôi.
Ví dụ : 1 lô hàng từ Quảng Châu, nếu đi đường biển thì tổng thời gian vận chuyển và làm thủ tục hải quan về mất khoảng 10 ngày. Nhưng nếu đi đường bộ thì mất khoảng 3 ngày.
Nhược điểm : Nhà cung cấp ở các tỉnh phía Bắc Trung Quốc như Thiên tân (Tianjin), Thượng Hải (Shanghai), Chiết giang, Liên Vận Cảng…. thì đi đường bộ rất xa. Chi phí vận chuyển tính tổng lại gấp nhiều lần so với đường biển.
2. Vận chuyển đường bộ gom hàng nguyên xe
Nếu bạn mua hàng từ nhiều nhà cung cấp và muốn gom lại để mở chung 1 tờ khai hải quan thì đây chính là giải pháp cho bạn.
Hàng sẽ được giao từ Xưởng tới kho tập kết tại Bằng Tường bởi các đơn vị dịch vụ Wuliu. Sau đó có 1 công ty ủy thác XK và cung cấp CO cho công ty bạn để nhập khẩu với đầy đủ giấy tờ pháp lý.
Sau đó hàng được xếp lên chung 1 xe và vận chuyển sang cửa khẩu nhập khẩu. DN NK mở 1 tờ khai chứ không cần mở nhiều tờ khai.
Ưu điểm : Gom đường nhiều nhà cung cấp, giảm được chi phí vận chuyển nhỏ lẻ, phí mở tờ khai và phí xin CO.
Nhược điểm: Thời điểm giao hàng của các nhà cung cấp khác nhau. Do đó bạn sẽ mất 1 khoản thời gian để đủ hàng xếp hàng, có thể làm chậm tiến độ giao nhận hàng. Vậy nên phương án này phù hợp nếu như bạn lên kế hoạch trước 1 khoảng thời gian đủ dài.
3. Vận chuyển đường bộ hàng lẻ (Mở riêng 1 tờ khai) (LTL = Less than truck load)
Nếu lượng hàng của bạn nhỏ lẻ, không đủ xếp lên 1 xe và muốn mở riêng 1 mình 1 tờ khai, thì LTL sẽ giúp bạn.
Tương tự hàng gom nguyên xe, hàng của bạn sẽ được giao từ xưởng tới kho bởi công ty Wuliu, nhưng điểm khác là lúc giao hàng tới kho hoặc trước khi xếp hàng lên xe vận chuyển thì lô hàng đã được mở tờ khai và thông quan.
Tờ khai hải quan này sẽ là tờ khai riêng cho lô hàng của bạn.
Sau đó hàng được xếp hàng lên xe cùng các lô hàng khác cũng đã được thông quan xuất khẩu. Xe vận chuyển sẽ chạy sang bãi tập kết tại cửa khẩu nhập khẩu và đưa vào trong kho.
Lúc này DN NK từ mở tờ khai riêng mà không liên quan đến các hàng khác trên xe.
Ưu điểm : Mở riêng tờ khai mà không bị ảnh hưởng bởi các lô hàng khác. Tốc độ vận chuyển khá nhanh, có 2-3 chuyến/tuần. Có thể trực tiếp đứng tên trên tờ khai, chủ động hơn trong quá trình giao nhận.
Nhược điểm : Ít bên dịch vụ làm hàng LTL. Chi phí mở riêng tờ khai nên sẽ cao
4. Vận chuyển đường bộ hàng lẻ gom xe (Ủy thác XK, ủy thác NK)
Hình thức này trước kia đã được các công ty ở khu vực các cửa khẩu thực hiện từ lâu. Gần đây, các đơn vị dịch vụ ở khu vực Hà Nội và lân cận bắt đầu thực hiện và phát triển mạnh hơn.
Phương thức này phù hợp cho các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể muốn nhập hàng chính ngạch với mức chi phí tối ưu nhất.
Vẫn theo quy trình giao nhận như trên, có điểm khác là có đơn vị ủy thác xuất khẩu và ủy thác nhập khẩu. Cá nhân/hộ kinh doanh cá thể coi như 1 khách hàng mua hàng lại từ phía các công ty ủy thác này.
Đơn vị dịch vụ gom hàng của nhiều khách hàng đóng chung 1 xe, mở chung 1 tờ khai xuất khẩu, 1 tờ khai nhập khẩu sau đó về kho thì tách đơn hàng giao cho khách. Việc này tiết kiệm được chi phí giao nhận và phí thủ tục hải quan. Về phần thuế NK, VAT thì vẫn kê khai theo đúng trị giá và yêu cầu từ phía khách hàng.
Ưu điểm: Tiết kiệm chi phí Logistics
Nhược điểm: Không chủ động thời gian, có thể bị ảnh hưởng bởi các lô hàng khác trên xe
Trên đây là tổng hợp các phương pháp giao nhận hàng hóa bằng đường biển và đường bộ cho lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Hi vọng những chia sẻ phía trên của KBL sẽ giúp bạn lựa chọn phương án phù hợp cho lô hàng của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *